Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh thường gặp ở trẻ em, trẻ thường mắc bệnh trong thời điểm giao mùa nhất là khi trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ, đa số trường hợp, nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà, trẻ sẽ hồi phục tốt sau vài ngày. Tuy nhiên, sởi cũng có thể gây biến chứng nếu không được chăm sóc, điều trị đúng theo hướng dẫn.
Một số dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết sớm bệnh sởi, cách chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà và những dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
1. Các dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Thời gian ủ bệnh thường từ 7–14 ngày sau khi trẻ tiếp xúc ca bệnh sởi. Trẻ sẽ có các dấu hiệu điển hình gồm:
- Sốt cao (trên 38,5°C), kéo dài 3–4 ngày.
- Ho khan, chảy mũi, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ, chảy ghèn).
- Xuất hiện ban đỏ theo trình tự: từ mặt lan dần xuống thân và tứ chi.
- Một số trẻ có thể có đốm đỏ sáng với các trung tâm màu trắng hoặc hơi trắng trong niêm mạc miệng (còn gọi là dấu Koplik) dấu hiệu sớm trước khi nổi ban.
2. Cách ly và tạo môi trường nghỉ ngơi phù hợp
- Cho trẻ nghỉ học và cách ly tại nhà ít nhất 7 ngày từ khi phát ban để tránh lây lan.
-Tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ chưa tiêm phòng, người già hoặc người có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
- Phòng nên thoáng khí, sạch sẽ, đủ ánh sáng nhưng tránh gió lùa.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà
Hạ sốt an toàn:
- Dùng paracetamol đúng liều theo cân nặng của trẻ.
- Lau mát cơ thể bằng nước ấm, không dùng nước lạnh hoặc rượu.
- Bổ sung dinh dưỡng và nước:
+ Cho trẻ ăn các món mềm, dễ tiêu: cháo, súp, sữa…
- Cho uống nhiều nước, có thể dùng nước oresol nếu trẻ có biểu hiện mất nước.
- Vệ sinh mắt, mũi, da:
- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 2–3 lần/ngày.
- Dùng gạc sạch, riêng biệt cho từng bên mắt nếu có ghèn.
- Tắm nước ấm hằng ngày, lau nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước vùng da nổi ban.
4. Khi nào cần đưa trẻ đi bệnh viện?
Cha mẹ cần theo dõi sát và đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy có một trong các dấu hiệu sau:
- Sốt cao liên tục từ 1-2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
- Trẻ thở nhanh, khó thở.
- Có biểu hiện co giật, li bì, bỏ ăn.
- Nôn ói nhiều, tiêu chảy nặng hoặc có dấu hiệu mất nước.
- Ban da có dấu hiệu nhiễm trùng: sưng, mủ, đau, lở loét…
5. Phòng tránh lây nhiễm cho người xung quanh
- Hạn chế tiếp xúc người ngoài, nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác.
- Người chăm sóc cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống, tay nắm cửa, khăn mặt, chăn gối… hàng ngày.
- Đảm bảo trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi; sởi – rubella theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sởi là bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin và điều trị chủ yếu tại nhà nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, sự chủ động và chăm sóc đúng cách từ cha mẹ sẽ giúp trẻ mau hồi phục, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa hay viêm não.
Nguồn: BSCKI. Huỳnh Thanh Vũ - Trưởng khoa Nhi