HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO NGÀY 24/3/2025

Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) được tổ chức hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, góp phần nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ dàng lây lan trong cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu

Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 - 15 người khác. Trong chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng; phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn dưới 20/100.000 người dân mắc lao.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2025 “Xóa sạch bệnh lao để cứu lấy sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm!”, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Tại Trà Cú, thời gian qua Trung tâm Y tế huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao.  Kết quả, năm 2024 Trung tâm Y tế huyện Trà Cú đã khám tổng số 1.370 lượt người khám Lao, số người được xét nghiệm phát hiện Lao là 564 người, phát hiện và thu nhận điều trị 165 bệnh nhân Lao các thể.

Một số dấu hiện nghi ngờ mắc lao phổi gồm:

- Ho kéo dài trên 2 tuần. Có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu.

- Gầy sút, kém ăn. mệt mỏi.

- Sốt nhẹ về chiều.

- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.

- Đau ngực, đôi khi khó thở.

Những ai là người có nguy cơ cao bị bệnh lao

- Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế hoặc người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao...).

- Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suy thận mạn

- Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid...

- Người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao.

Việc phòng chống lao không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự chung tay của các cấp, ngành và bản thân mỗi người dân. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao phổi mọi người cần thực một số biện pháp phòng chống sau:

- Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ em ngay tháng đầu sau sinh.

- Che miệng khi ho, hắt hơi,

- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…

- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao.

 Đối với người mắc bệnh:

- Phải đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào chỗ qui định, có nắp đậy tránh phát tán mầm bệnh.

- Không ngủ cùng phòng với người khác, hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết…

- Tận dụng ánh nắng mặt trời cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.

- Hãy đi khám khi:

+ Ho kéo dài trên 2 tuần, có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu.

+ Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều.

- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.

- Đau ngực, đôi khi khó thở

Để phát hiện kịp thời và điều trị sớm tránh nguy cơ tử vong do lao./.

Tin nguồn: Diệp Hữu Phước - Khoa KSBT-HIV/AIDS

Tin tức y tế